Thiền Định, Thiền Chánh Niệm Và Các Loại Thiền

Các loại thiền định

Giống như thể thao có nhiều môn: bóng đá, cầu lông, bơi lội, bóng chuyền,v..v…Thiền cũng có nhiều loại mà thiền định, thiền chánh niệm chỉ là 2 trong số các loại đó. Việc hiểu về các loại thiền giúp bạn lựa chọn đúng loại thiền hợp với mình.

Xem thêm:

Thiền Buông Thư – Phương Pháp Tuyệt Vời Khi Mệt Mỏi

Sự Hấp Dẫn Của Thiền Chánh Niệm Đến Từ Đâu?

Tập Thiền Chánh Niệm Giúp Vượt Qua Trầm Cảm Như Thế Nào?

Thiền định và các loại thiền

Hóa ra thiền có nhiều loại phết

“Thiền” là 1 từ chung, chỉ các hoạt động rèn luyện tâm trí. Giống như “Thể thao”, chỉ các hoạt động rèn luyện thân thể.

Thế là, giống như “Thể thao” có nhiều thể loại: bóng đá, cầu lông, bơi lội, gym, yoga,v..v.. “Thiền” cũng có nhiều loại: thiền định, thiền chánh niệm, thiền quán, thiền kirtan, thiền sufi, thiền zazen, thiền neti-neti, thiền năng lượng, thiền siêu việt (Transcendental meditation), thiền luân xa,v..v..

Do là hoạt động rèn luyện tâm trí, thiền đều xuất phát từ Tôn giáo. Mỗi loại thiền lại gắn chặt đến hệ thống niềm tin mà tôn giáo đó đề cao. Và thiền đến từ rất nhiều tôn giáo khác nhau (Hindu giáo, Hồi giáo, Sufi giáo hay Hồi giáo mật tông,v…v…). Chứ thiền không chỉ đến từ Đạo Phật.

Nếu không biết về các loại thiền, thì giống như người mới biết đến thể thao tưởng chỉ có mỗi bóng đá. Mà thể trạng và năng khiếu lại không hợp bóng đá thành ra chán nản, thấy “Ôi mình không hợp chơi thể thao.”. Nhưng thực ra lại rất hợp với cầu lông.

Làm thế nào để biết loại thiền nào hợp với tôi?

Làm sao để biết thiền định nào phù hợp với mình

Đầu tiên hãy biết bạn học thiền với mục đích gì?

  • Nếu bạn muốn bớt lo âu, bớt suy nghĩ quá nhiều, hãy bắt đầu với thiền định.
  • Nếu bạn muốn thấu hiểu chính mình, chữa lành các tổn thương tinh thần, hãy bắt đầu với thiền chánh niệm.
  • Nếu bạn muốn giảm đau, chữa bệnh, hãy bắt đầu với thiền luân xa, thiền năng lượng
  • Nếu bạn muốn xây dựng các mối quan hệ, hãy bắt đầu với thiền tâm từ.
  • Nếu bạn thiên hướng tìm hiểu tâm linh, hãy bắt đầu với Vipassana, thiền zazen, thiền siêu việt
  • Nếu bạn muốn giảm stress, hãy bắt đầu với thiền Kudalini

Cảm thấy hợp là hợp thôi

Đó là cách của Linh Từ Từ. Mình bắt đầu tập thiền (hồi đó là thiền định) chỉ là sự tò mò vì 1 điều mới mẻ. Sau đó thì thử nhiều loại, cũng vì tò mò. Cuối cùng thì gắn bó với thiền chánh niệm. Cũng chỉ vì cảm thấy hợp là hợp thôi.

Sự thực thì mỗi loại thiền khi thực tập sâu sắc, chuyên cần, đều mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống. Thành ra bạn cứ tập luyện, mỗi loại tập luyện thật chuyên tâm khoảng 2 tháng, và để ý và cảm nhận của bản thân, thấy hợp là hợp thôi. Đó cũng là cái duyên của bạn.

Tìm hiểu thêm chút về thiền định và thiền chánh niệm nha

Thiền Định

Thiền định là một trong 2 loại thiền “đặc sản” của Phật Giáo (tên khác: thiền chỉ). Thiền định là dồn toàn  tâm trí tập trung chỉ vào 1 thứ. Mục đích là để làm cho tâm trí trống rỗng.  Theo giáo lý, có 40 thứ mà bạn có thể tập trung vào. Hơi thở là 1 trong số đó (tên gọi là Anapanasati).  Nên hình ảnh thường thấy của những người tập luyện thiền định là ngồi im, nhắm mắt, quan sát hơi thở. Nếu có suy nghĩ nảy sinh trong đầu, cắt suy nghĩ đó, lập tức quay về hơi thở.

Việc cắt suy nghĩ này đã tạo nên sức hấp dẫn của thiền định. Bởi con người, không nhiều thì ít, thường bị những suy nghĩ của mình làm cho thất điên bát đảo. Nên nếu có điều gì giúp chúng ta tạm thời không nghĩ, thì quá là tuyệt vời. Đó là lí do vì sao, khi ngồi thiền, người ta cảm thấy như được giải thoát, không còn bị những đau khổ dày vò nữa.

Sức hấp dẫn tiếp theo của thiền Định, đến từ khả năng làm nên những điều thần thông, khi tu luyện định tâm đủ mạnh. Ví dụ sương sương là :

  • Nhìn thấy chúng sinh các cõi, như là các vong linh (khả năng thiên nhãn thông)
  • Nhớ được các kiếp sống trước đây (khả năng túc mạng thông)
  • Hiểu được tâm ý người lạ (khả năng tha tâm thông)

Điều này thỏa mãn bản năng con người rất nhiều, đó là bản năng tò mò về thần thông, và thích làm được những điều người thường khó làm được. Để nói về huyền bí thì thiền định đủ cung cấp cho bạn vô số chuyện huyền bí như trong phim.

Nhiều thiền sư không đề cao thiền định vì nó như “Đá đè cỏ” tức là có thể hạn chế được phiền não lúc đó – nhưng khi phiền não trở lại nó lại mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ngoài ra việc tu thiền định khá khó – phải có thầy hướng dẫn ko thì dễ tàu hỏa nhập ma, hoặc bị mê đắm trong cảnh giới của Định. Các ngài chỉ dùng thiền định để nghỉ ngơi thân tâm và làm nền tảng soi sáng thiền tuệ.

Thiền chánh niệm

Tập thiền định giúp giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống

Thiền chánh niệm là phiên bản hiện đại của 1 đặc sản còn lại của Phật giáo – thiền tuệ (các tên khác của thiền Tuệ: thiền Tứ Niệm Xứ, thiền Quán, thiền Vipassana).

Theo nhiều kinh kệ, Đức Phật vốn dĩ tu tập với thiền định, và Ngài đã đạt được tầng thiền cao nhất trong tam giới là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Nhưng sau khi xuất thiền, Ngài vẫn cảm thấy những khổ đau ở mức cực kỳ tinh vi. Sau đó, duyên dẫn dắt đề Ngài tiếp tục và đạt đến Niết Bàn với thiền tuệ – Vipassana, và đạt tới thần thông cuối cùng – Lậu Tận Thông.

Thiền tuệ giúp người thực tập hiểu rõ và đón nhận bản chất của cuộc đời: Khổ – Vô thường – Vô ngã (Cái này gọi là Tam Pháp Ấn). Khi đó, người thực tập có thể cắt đứt mọi đau khổ dù là tinh vi nhất.

Một lợi ích khác của thiền tuệ là có thể được luyện tập trong đời sống hàng ngày. Những hoạt động hàng ngày (ăn uống, sinh hoạt, làm việc, kết nối bè bạn) đều có thể lấy làm cái để tu tập, không cần phải đến nơi thanh vắng chuyên biệt để tu tập. Tu tập như vậy sẽ giúp diệt trừ tận gốc khổ đau.

Người được coi là kế thừa thiền Vipassana và cha đẻ của thiền Chánh Niệm ở phương Tây là Jon Kabat – Zin, một giáo sư y khoa người Mỹ. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 70, nhiều người trẻ tuổi ở phương Tây đã chán nản với nền chính trị của đất nước họ, di sản văn hóa của cha mẹ họ. Một số đã thực hiện chuyến đi đến Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác để tìm một ý nghĩa mới của cuộc sống ở đó. Trong nhiều người quay trở lại, có ba người nổi bật là Jack Kornfield, Joseph Goldstein và Sharon Salzberg.

Jon Kabat-Zinn là một nhà sinh học phân tử trẻ với bằng tiến sĩ từ MIT ở Boston. Ông bắt đầu thực hành Phật giáo theo truyền thống thiền Hàn Quốc vào đầu những năm 1970 nhưng ngay sau đó cũng bắt đầu tham dự các khóa tu Vipassana với Kornfield, Salzberg,và Goldstein. Ông cũng là một sinh viên và giáo viên yoga, và đã tập luyện môn võ Aikido. Trong quá trình học của mình, Jon thấy rõ rằng phần lớn đau khổ của chúng ta là do trí óc tạo ra và điều đó nhiều khi không cần thiết. Khi ấy, anh ấy đã có một nguyện vọng là lấy các yếu tố từ những gì anh đang học để tạo nên một điều gì đó để những người bình thường từ mọi tầng lớp cuộc sống có thể được hưởng lợi từ những thực hành này, không chỉ những người được xác định là Phật tử hoặc cởi mở với các thực hành Phật giáo. Và vì thế, thiền chánh niệm ra đời.

Hi vọng thông tin về thiền chánh niệm, thiền định, và các loại thiền khác này giúp các bạn lựa chọn được môn thiền phù hợp.

Linh Từ Từ

Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm

Leave a Comment