3 Bài Tập Thiền Chánh Niệm Giúp Gia Đình Hạnh Phúc Hơn

Bài tập thực hành giúp gia đình hạnh phúc

Gia đình là nền tảng. Vậy nên khi gia đình hạnh phúc hơn, mỗi cá nhân sẽ thấy hạnh phúc hơn. Bài viết này sẽ chia sẻ cách thực tập thiền chánh niệm để giúp nhiều gia đình hạnh phúc hơn.

Xem thêm:

Tại Sao Tập Thiền Chánh Niệm Giúp Mình Hạnh Phúc Hơn?

3 Lợi Ích Khi Thực Hành Lòng Biết Ơn Theo Tâm Lý Học

Nâng Cao Hạnh Phúc Gia Đình Với 3 Bài Tập Thiền Chánh Niệm

3 bài tập thiền chánh niệm giúp gia đình hạnh phúc hơn

1.  Đón nhận những lúc người thân khiến mình đau lòng

Tại sao mẹ lại làm vậy với mình?

Bài tập thiền giúp gia đình hạnh phúc

Sẽ có nhiều lúc cha mẹ, con cái khiến mình đau lòng. Và mình cảm thấy thất vọng lắm vì “Tại sao mẹ lại làm vậy với mình? Đáng lẽ ra mẹ luôn yêu thương mình mới phải.” “Tại sao con lại như vậy? Đáng lẽ ra con cái phải luôn tôn trọng mình chứ.”

Là con người, thì không ai hoàn hảo. Bố mẹ không phải lúc nào cũng hòa ái, thấu hiểu, biết nghiêm biết nhu đúng lúc. Con cái không phải lúc nào cũng biết nghe lời, trân trọng, biết ơn cha mẹ. Nếu như không hiểu và chấp nhận được thực tế này, thì khi con cái bướng bỉnh, cha mẹ sẽ đau lòng, dằn vặt con cái không thôi. Tương tự, khi cha mẹ gắt gỏng, bực tức, con cái sẽ oán trách cha mẹ không thôi. Không khí gia đình từ đó nặng nề.

Ngược lại, khi ta tôn trọng người thân thực sự, tức là coi họ cũng là những người bình thường, sẽ có lúc nọ lúc kia, thì tinh thần thấu hiểu, nâng đỡ trong gia đình lớn lên. Chúng ta đừng sợ rằng sự đón nhận này có nghĩa rằng mình dung thứ, nuông chiều cho những hành vi xấu. Vì bản chất của con người thì luôn luôn cầu tiến. Và gia đình thì luôn muốn làm cho nhau hạnh phúc. Chính sự đón nhận sẽ giúp ta bình tĩnh, để cùng trao đổi trên tinh thần yêu thương, để giúp người thân tiến bộ lên mà thôi. Thực tập thiền chánh niệm sẽ giúp ta làm được điều này. Bởi tính chất của thiền chánh niệm luôn là đón nhận mọi người với các hành vi của họ với tinh thần không phán xét.

Gợi ý bài tập thiền chánh niệm để đón nhận những lúc người thân khiến mình đau lòng

Hãy dành một chút thời gian để nhớ lại những suy nghĩ của bạn khi người thân có cư xử khiến bạn đau lòng, thất vọng. Bây giờ, hãy để ý cảm giác khi điều đó xảy ra. Hãy thở vài nhịp. Nếu muốn, bạn có thể đặt tay lên trái tim, rồi thì thầm thật kệ “Tâm trí tôi đang nói tôi rằng người thân của tôi thật đáng thất vọng. Nhưng tôi hiểu rằng ai cũng có lúc nọ lúc kia. Và người thân thì luôn yêu thương nhau. Nên có lẽ khi hành động như vậy, người thân của tôi chắc đang gặp chuyện gì. Tôi chấp nhận và từ từ tìm hiểu.” Hãy để những lời này đọng lại trong trái tim bạn. Lặp lại điều này và bạn sẽ cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng hơn.

2.  Dũng cảm chia sẻ cảm xúc thật của mình

“Bố mẹ sẽ chẳng hiểu và thông cảm cho mình đâu.”

Muốn gia đình hạnh phúc phải biết chia sẻ

Với nhiều người, chia sẻ cảm xúc thật của mình với người thân đôi khi là một điều khó khăn. Chúng ta thường giấu đi cảm xúc thật vì “Bố mẹ chẳng hiểu và thông cảm cho mình đâu.” hoặc “Chồng lại chế giễu mình cho mà xem.” “Mình không nên nói vì có thể sẽ khiến con cái lo lắng.” Cảm xúc thường được cho là một phần mềm yếu của con người. Vì thế, ta thường giấu nó. Thành ra khi chia sẻ nó, có cảm giác như mang một phần mềm yếu của mình ra phơi bày, thật sợ hãi làm sao. Đặc biệt, khi người thân chế giễu, dày vò sự mềm yếu đó, bạn lại càng đau đớn hơn.

Và dần dần, điều đó gây nên sự lạnh lẽo, căng thẳng, hiểu lầm, mất kết nối trong gia đình. Vậy nên mới nói, chia sẻ cảm xúc nhiều khi cần sự dũng cảm. Và sự dũng cảm đó là đáng giá. Đặc biệt nếu bạn là cha mẹ. Vì khi ấy, bạn làm gương cho con cái mình rằng: không sao cả khi cảm thấy yếu đuối, điều quan trọng là trân trọng sự yếu đuối của mình, và tin tưởng, trao cho người thân cơ hội được thấu hiểu sự yếu đuối đó. Đó mới là gia đình. Thực tập thiền chánh niệm sẽ giúp ta làm được điều này. Bởi tính chất của thiền chánh niệm luôn là nhận ra sống trung thực với cảm xúc của mình.

Gợi ý bài tập thiền chánh niệm giúp bạn dũng cảm chia sẻ cảm xúc thật

Hãy cùng nhớ lại xem, trong 1 tuần qua, có điều gì đó khiến bạn thấy không ổn, nhưng bạn vẫn giữ trong lòng . Hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu trọng tâm của vấn đề. Điều gì đã thực sự xảy ra và bạn cảm thấy thế nào? Có thể sâu xa trong sự không ổn ấy là cảm giác thất vọng, buồn bã hoặc sợ hãi. Bây giờ đi sâu hơn một chút và khám phá (những) nhu cầu mà bạn đang có mà chưa được đáp ứng. Có thể là sự tôn trọng, được thấu hiểu. Bây giờ, với sự chuẩn bị này, hãy xem liệu bạn có cảm thấy sẵn sàng để tiếp cận thành viên gia đình của mình khi bạn chia sẻ rõ ràng về cảm giác của bạn và những nhu cầu mà bạn đã nhận thấy hay không.

Ví dụ: “Thứ 5 tuần trước, khi con đòi mua mèo và mẹ không đồng ý, con đã nói rằng mẹ không yêu con. Mẹ cảm thấy thật buồn. Mẹ cảm thấy như con chưa kịp hiểu tại sao mẹ không đồng ý mà đã phủ nhận hết tình yêu mẹ dành cho con. Mẹ và con có thể nói chuyện để hiểu nhau hơn không?”

3.  Lắng nghe trọn vẹn

Nghe mà không phán xét

Lắng nghe là phương pháp tốt nhất để gia đình hạnh phúc

Thường chúng ta chỉ nghe, mà không phải “lắng nghe trọn vẹn”. Lắng nghe trọn vẹn là khi chỉ toàn tâm toàn ý nghe người thân, mà không có sự phán xét đồng thời rằng họ nói thế là đúng hay sai, là tốt hay xấu, rồi mình nên đáp lại ra sao. Còn chưa kể ta vừa nghe vừa bận làm việc khác. Vì vậy, ta thường bỏ mất nhiều thông tin quan trọng, thậm chí có thể hiểu lầm sự chia sẻ của người thân trong gia đình.

Như vậy, ta hiểu được lợi ích của lắng nghe thực sự. Lắng nghe trọn vẹn sẽ khiến thông tin được trao đổi rõ ràng hơn, ít hiểu lầm hơn, tạo kết nối tốt hơn (chưa kể đến kết quả tốt hơn).

Thực tập thiền chánh niệm sẽ giúp ta làm được điều này. Bởi tính chất của thiền chánh niệm luôn là lắng nghe trọn vẹn.

Gợi ý bài tập thiền chánh niệm để lắng nghe trọn vẹn

Khi người thân muốn trao đổi, hãy dừng mọi việc khác lại. Hít thở sâu, trọn vẹn lắng nghe họ. Tập trung vào lời nói của họ. Đặt mình vào bản thân họ trong câu chuyện. Bỏ qua nhu cầu phán xét xem điều mình đang nghe đúng hay sai. Cũng bỏ qua nhu cầu phải đáp lại ngay lập tức. Sau khi họ kết thúc phần chia sẻ, hãy hít thở thật sâu, rồi xem mình có điều gì muốn nói. Nhưng bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi sức mạnh tuyệt vời của việc lắng nghe bằng tâm hồn với một trái tim rộng mở. Có khi người thân ban đầu khi chia sẻ với bạn để tìm câu trả lời, nhưng khi được bạn lắng nghe trọn vẹn, họ tự bình tâm lại, và tìm ra câu trả lời hợp nhất cho họ rồi.

Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp thật nhiều gia đình thấu hiểu, yêu thương nhau hơn. Hạnh phúc gia đình là điều luôn cần quan tâm để nuôi dưỡng.

Linh Từ Từ

Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm

Leave a Comment