Bản chất của những dòng suy nghĩ

Khả năng phản biện được những dòng suy nghĩ của chính mình là một trong những trọng tâm của thực hành chánh niệm.

“Điều ta tin có thật không, có chắc không?”

Ví dụ: Trong 1 lớp học online của cô Dịu, có những học trò không bật camera trong giờ học. Có bạn cho rằng những học trò đó không thích học, thái độ không coi trọng cô giáo và các bạn trong lớp. Cho tới khi kiểm tra bài, những học trò đó nắm bài rất chắc. Đó cũng là những học trò làm bài tập về nhà chăm chỉ. Tới một ngày trò chuyện tâm tình, cô Dịu mới biết học trò đó tiết lộ không bật camera chỉ vì không thực sự tự tin về ngoại hình của mình. 

Mời bạn thử một lần công tâm quan sát những suy nghĩ của mình và đặt câu hỏi về niềm tin của mình. Khi đó, bạn sẽ hiểu rằng mặc dù việc suy nghĩ là quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, nhưng suy nghĩ của chúng ta mang tính tương đối hơn chúng ta tưởng. Như đã biết về các thiên kiến tư duy, suy nghĩ của chúng ta luôn mang tính nhất thời và phiến diện hơn chúng ta tưởng. 

Khả năng phản biện được những dòng suy nghĩ của chính mình là một trong những trọng tâm của thực hành chánh niệm. Hãy thử thỉnh thoảng đặt câu hỏi: “Điều ta tin có thật không, có chắc không?”.

Một mối quan hệ trưởng thành và bền vững được là khi mỗi người cho rằng quan điểm người kia, dù là khác mình, có thể đúng.

Dù cho chúng ta có tin tưởng mạnh mẽ vào quan điểm của mình đến đâu thì vẫn luôn có những quan điểm khác. Trong các mối quan hệ cá nhân, ta có thể nhận thấy rõ điều này. Một mối quan hệ trưởng thành và bền vững được là khi mỗi người cho rằng quan điểm người kia, dù là khác mình, có thể đúng (mặc dù không phải lúc nào mình cũng ngay lập tức nhìn ra ý đúng của đối phương).

Hầu hết những sự khổ tâm của chúng ta đến từ việc chúng ta quá giữ chặt niềm tin, suy nghĩ và quan điểm của mình.

Ví dụ: Dương luôn giữ chặt quan điểm rằng chồng mình là người vô tâm, bạc bẽo, vì có nhiều thứ Dương muốn mà chồng không làm theo. Trong hàng chục năm trời, Dương có nỗi khổ tâm lớn về điều đó. Gia đình cũng nhiều gay gắt. Tới 1 ngày Dương bị bệnh nặng, bên cạnh nỗi đau bị bệnh còn là nỗi tủi thân rằng chồng chắc chẳng chăm sóc gì mình đâu. Ai dè chồng Dương bình thản chăm sóc Dương từ việc ăn, tới việc tắm, tới việc ngủ, tới việc đi khám bệnh, tận tụy chu đáo không sót một thứ gì. Tới lúc đó Dương mới nhớ lại trước đây cũng có nhiều lần chồng quan tâm chăm sóc như vậy, chỉ là không phải ở những việc theo ý Dương, nên Dương không coi trọng mà thôi.

Khi chúng ta để cho những suy nghĩ đến và đi mà không bám víu, chúng ta có thể sử dụng suy nghĩ, nhưng không để suy nghĩ điều khiển mình đến mê mờ. 

Thiền sư Ajahn Chah thường mỉm cười và hỏi các học trò của mình là “Có thật không?” mỗi khi họ đưa ra quan điểm nào đó.  Ngài muốn học trò học cách bớt coi trọng những suy nghĩ của mình. 

Thiền sư Ajahn Chah nói: “Bạn có quá nhiều quan điểm và ý kiến, điều gì là tốt và xấu, đúng và sai, về cách mọi thứ nên diễn ra. Bạn bám vào quan điểm của bạn và đau khổ rất nhiều. Bạn biết đấy, chúng chỉ là những quan điểm mà thôi.”

Trong sự tĩnh lặng của chánh niệm, chúng ta thấy sự không thật của suy nghĩ. Chúng ta học cách quan sát cách các từ và hình ảnh phát sinh rồi biến mất, không để lại dấu vết. Sự nối tiếp của các hình ảnh và liên tưởng – thường được gọi là sự phát triển tinh thần – xây dựng nên những lâu đài tư tưởng. Nhưng những lâu đài, ý tưởng và kế hoạch này trôi nổi trong một thời gian rồi biến mất, giống như bong bóng trong ly nước ngọt. Chúng ta có thể trở nên im lặng đến mức chúng ta thực sự cảm thấy năng lượng suy nghĩ vi tế xuất hiện rồi lại biến mất.

Chúng ta không cần phải luôn biết chắc về mọi thứ, luôn biết trước mọi việc sẽ diễn ra thế nào. 

Chúng ta không cần phải luôn biết chắc về mọi thứ, luôn biết trước mọi việc sẽ diễn ra thế nào. Hãy cho phép mình tận hưởng những bất ngờ kì thú của cuộc sống, và tin rằng dù có chuyện gì, mình đều luôn có lựa chọn. 

Khi chúng ta để cho những suy nghĩ đến và đi mà không bám víu, chúng ta có thể sử dụng suy nghĩ, nhưng không để suy nghĩ điều khiển mình đến mê mờ. 

Khi chúng ta có thể nhìn sâu xuống phía dưới lớp suy nghĩ của mình, ta sẽ thấy trái tim mình tỏa sáng. 

*Bài viết sử dụng 1 phần trích từ cuốn sách “The Wise Heart” của tác giả Jack Kornfield.* 

– Linh từ từ-

Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm

 

Leave a Comment