Áp lực tạo kim cương hay Áp lực tạo tổn thương?

Câu trả lời ngắn gọn là “Tùy vào mức độ stress”. Câu trả lời dài hơn xíu sẽ là: Không phải là áp lực tạo ra kim cương với người A, tạo ra tổn thương cho người B. Mà là với từng người, tại từng thời điểm, với từng mức độ stress, sẽ có kim cương, hoặc sẽ có tổn thương vì các áp lực. 

Các nghiên cứu phân mức độ stress ra làm 3

  1. Stress mức độ nhẹ (Ví dụ: gặp tắc đường, đang ngồi mát tự dưng mất điện 1 tiếng, tự dưng bị đau lưng…v…v…), 
  2. Stress mức độ trung bình (Ví dụ: nhà có người thân bị bệnh, điểm thi thấp hơn kỳ vọng 50%, mặt đang nhẵn mịn tự dưng bị mụn chữa 3 tháng chưa hết,  v..v…), 
  3. Stress mức độ cao (Ví dụ: người thân qua đời, bị bạo hành nhiều năm, thất tình, phá sản,v..v…). 

Các ví dụ nêu ở đây chỉ là mức tương đối, không luôn luôn đúng. Ví dụ: như mình nhiều khi gặp tắc đường cũng khiến mình stress mức độ cao. 

Áp lực tạo kim cương với mức độ stress nhẹ và trung bình.

Lúc này, bản năng sinh tồn thúc đẩy con người nâng cấp toàn diện để đủ khả năng xử lý được việc không như ý. Vì thế, con người có động lực rèn luyện năng lực tư duy (nảy số nhanh hơn, tư duy logic hơn, tư duy phản biện hơn), khiến tinh thần vững vàng hơn (bình tĩnh hơn, lạc quan hơn), và chăm sóc sức khỏe thể chất tốt hơn (chăm chỉ rèn luyện thể thao, ăn uống lành mạnh hơn, sức đề kháng tốt hơn). Đây là stress tốt – eustress. Chúng ta cần nó để cuộc sống thú vị hơn. 

Áp lực tạo tổn thương với mức độ stress cao. 

Lúc này, bản năng sinh tồn bật chế độ bảo tồn năng lượng để giữ mức an toàn tối thiểu cho con người. Vì thế, các hoạt động đều được giảm bớt cường độ và tần suất. Đồng nghĩa với việc năng lực tư duy giảm (trí nhớ suy giảm, nghĩ 1 lúc thấy mệt mỏi), sức khỏe tinh thần giảm (nhìn ra nhiều điều tiêu cực hơn, hay thu mình hơn, cư xử theo kiểu phòng vệ nhiều hơn), sức khỏe thể chất giảm (hệ miễn dịch suy giảm dễ ốm, làm việc nhanh thấy mệt). Đây là stress xấu – distress, chúng ta cần nhận ra chúng để chăm sóc bản thân mình. 

Vậy xác định mức độ stress bằng cách nào?

 Trên mạng có rất nhiều bài test, nhưng các nghiên cứu uy tín xác định có 2 bài test sau đây đáng tin cậy: PSS (Cohen và cộng sự, 1983), và DASS 21 (Lovibond, S. H., & Lovibond, P.F., 1995).

Linh có làm bản Tiếng Việt bài test PSS ở đây, chia sẻ với các bạn: https://forms.gle/DDpjbUJrFy7iGTf3A

Giai đoạn bầu bí là giai đoạn rất dễ stress nhiều, mẹ bầu cần để ý chăm sóc sức khỏe tinh thần mình rất kỹ. Mình có tổ chức buổi gặp online chủ đề“Mẹ bầu tự chăm sóc tinh thần”, thân mời các mẹ bầu quan tâm tới tham gia nhé : https://forms.gle/akJHHQSuuAR8skuN6

-Linh từ từ-

Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm

Leave a Comment