Siêu nhận thức (Meta cognition) 

Được giới thiệu vào những năm 1970, siêu nhận thức được định nghĩa là sự nhận thức về nhận thức của riêng một người (Koriat 2007). Nôm na là “biết mình nghĩ cái gì”.  Siêu nhận thức ngày càng phổ biến trong khoa học giáo dục. Các nghiên cứu đã chỉ ra siêu nhận thức giúp người học kiểm soát việc học của mình tốt hơn. Người học có các chiến lược siêu nhận thức nhận thức rõ hơn về suy nghĩ của chính họ, từ đó, họ học chủ động và sâu sắc hơn. 

Thú vị là khái niệm này bắt đầu với từ “meta”, có nghĩa là “vượt lên trên”. 

Vượt lên trên suy nghĩ. Cái gì vượt lên trên suy nghĩ? Thực ra ta nói nó hàng ngày. Nhìn vào ví dụ này nhé: “Anh đã biết con tim yêu em mất rồi.” thay vì “Anh yêu em mất rồi”. Như vậy cái vượt lên trên suy nghĩ chính là ta. Tức là suy nghĩ không phải là ta, ta là cái vượt lên trên suy nghĩ. 

Ta là chủ thể của suy nghĩ. 

Nghe có quen không nào? Đó chính là 1 lý thuyết trọng yếu của chánh niệm. 

Sự liên quan của siêu nhận thức với chánh niệm còn được thể hiện ở chỗ:

2 đặc điểm của chánh niệm (năng lực chú ý ở mức độ cao và xu hướng không phán xét với thế giới nội tâm của mình) yêu cầu 1 cá nhân theo dõi và quản lý liên tục quá trình tư duy của bản thân, đây lại là hai cơ chế cốt lõi của siêu nhận thức (Nelson 1990).

Với những ai đang gặp đau khổ, muộn phiền, đây chính là 1 lối thoát. 

Nói thêm về “suy nghĩ không phải là ta”.

Khi ta quan sát suy nghĩ và bắt đầu “nghi vấn” nó, ta bắt đầu nhận ra rằng dù việc ghi nhớ, lên kế hoạch, tư duy logic rất cần với cuộc sống của ta, nó “vô thường” và “1 phía” hơn ta tưởng. Phần lớn những đau khổ nội tâm của chúng ta đều xuất phát từ việc quá tin vào suy nghĩ, quan điểm, và niềm tin của chính mình (bám chấp). Tương truyền, thiền sư nổi tiếng Ajahn Chah thường mỉm cười và hỏi “Có thật không?” mỗi khi nghe ai chia sẻ về quan điểm, suy nghĩ, và niềm tin đằng sau những sự việc khiến họ muộn phiền. 

Luôn nghi vấn những suy nghĩ của mình chính là trọng tâm của thực hành chánh niệm. 

Tài liệu tham khảo: 

  • Koriat A. Metacognition and consciousness. In: Zelazo IPD, Moscovitch M, Thompson E, editors. The Cambridge Handbook of Consciousness. Cambridge, UK: Cambridge University Press; 2007. pp. 289–325. 
  • Nelson TO. Metamemory: a theoretical framework and new findings. Psychology of Learning and Motivation. 1990;26:125–173. doi: 10.1016/S0079-7421(08)60053-5.

Linh từ từ

Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm

Leave a Comment