Bốn Nỗi Khổ Khi Học Đại Học Và Lời Khuyên Từ Một Giảng Viên

Đây là những nỗi khổ khi học đại học mình đã gặp, đến giờ khi thành giảng viên ở Đại học Ngoại thương, mình thấy nhiều sinh viên mình vẫn gặp. Bài viết này là để chia sẻ cách xử lý từ góc nhìn của mình khi đã là một giảng viên.

Quy Tắc 90 Giây Để Quản Trị Cảm Xúc

Nội Lực Của Bạn Mạnh Tới Đâu?

Lợi Ích Của Việc Đón Nhận Những Cảm Xúc Và Suy Nghĩ Tiêu Cực: Các Bằng Chứng Khoa Học

Bốn nỗi khổ khi học đại học và lời khuyên từ một giảng viên

1.  “Em thấy nhiều giờ học chả thú vị mà cũng chả  hữu ích gì í.”

Cách xử lý: “Hãy phản hồi chân thành với thầy cô, nhà trường.”

Chắc bạn đang chép miệng “Nói thế chắc chết” phải không? Hiii, sự thực là cũng ít sinh viên đủ mạnh dạn để làm điều này. Vì niềm tin rằng “Như vậy là không tôn trọng thầy cô”, hoặc vì nỗi sợ “Nói thế thầy cô trù, cho điểm kém luôn ấy chứ.” Không phải đâu.

Có 1 điều đặc biệt sinh viên cần nhớ: trở thành sinh viên là bắt đầu trở thành những “người học độc lập”. Tức là phải tự biết mình muốn gì trong học tập, và làm cách nào để mình đạt được mong muốn ấy. Chứ không phải như phổ thông, mình học tập theo mục tiêu bố mẹ đề ra và theo cách thầy cô sắp đặt.

Đồng nghĩa với việc mình nên mạnh dạn hơn để đòi hỏi những gì mình thấy cần, và mình tin mình xứng đáng.

Sinh viên nên hiểu và tự tin hơn với vị trí của mình là một khách hàng, mua hàng hóa là dịch vụ giáo dục. Nhà trường và giáo viên là người cung cấp dịch vụ này. Khi dịch vụ không như ý, khách hàng nên đặt ra yêu cầu nâng cấp dịch vụ với nhà cung cấp. Điều ấy hợp lý mà phải không?

Mà thực ra đây là một hành động “win-win” cho cả 2 bên:

  • Sinh viên có được giờ học thú vị hơn, thực chất hơn.
  • Giảng viên có cơ hội nhìn thấy lỗ hổng của mình trong giảng dạy, từ đó nâng cao năng lực làm việc của mình. Từ đó cảm giác thỏa mãn khi làm nghề tăng lên, danh tiếng nghề nghiệp họ tăng lên, các cơ hội làm việc và thu nhập của họ cũng tăng lên.

Không có gì sai khi phản hồi cả. Chỉ là cách phản hồi như thế nào cho khéo. Nhiều năm tập thiền chánh niệm đã luyện cho mình một niềm tin rằng “Khi bạn nói ra các phản hồi của mình một cách không phán xét, không công kích, mà nói với tinh thần chân thành, thấu hiểu, yêu thương, mang tính xây dựng, các vấn đề sẽ được giải quyết.”

Hãy thử nói thế này nhé: “Dạ thưa cô, em cũng nghĩ mãi không biết nên nói thế nào. Nhưng mà em cảm giác chắc cô sẽ hiểu cho chúng em, nên em cũng đánh liều chia sẻ ạ. Em cứ thấy khó tập trung trong giờ học ạ. Dù môn này ban đầu em rất thích và rất muốn học tốt cô ạ. Tự em cũng thử mấy cách này..vv… rồi mà không ăn thua. Em nghĩ giá chúng em được học  thêm nhiều case study để dễ hiểu lý thuyết hơn, hoặc được gợi ý thêm nhiều tài liệu cho môn này, thì tốt ạ. Cô thấy được không ạ?” Khi nói thế này, nhớ là nói riêng với thầy cô nhé.

Bạn hãy yên tâm rằng giảng viên đều là những người có vốn sống đủ nhiều để đón nhận và giải quyết được những phản ánh chân thành của sinh viên. Họ cũng hiểu học trò của mình lớn rồi, có quyền nêu ý kiến riêng. Thêm nữa, những ai theo nghề giáo phần lớn đều thương học trò, họ luôn muốn làm điều tốt nhất cho học trò trong phạm vi họ có thể.

Việc đưa ra phản hồi này tốt hơn nhiều so với việc bạn lặng yên không nói gì. Nhưng trong lòng cứ thấy không ổn, rồi thấy tiếc tiền học phí, rồi phàn nàn với bạn bè, rồi sinh ra chán học. Đâu giải quyết được gì đâu phải không?

2.  “Thầy cô giảng nhanh quá em theo không kịp í.”

Cách xử lý: “Trao đổi để thầy cô nói chậm lại.”

Mạnh dạn lên. Thầy cô ở bậc đại học phần lớn rất cởi mở. Và họ rất quý sinh viên nào mạnh dạn đề nghị họ giảng chậm lại. Vì điều đó chứng tỏ sinh viên ham học, yêu thích môn học của họ mới đề nghị vậy. Nên bạn đừng ngại ngần gì cả.

Một cách nữa là hãy đánh dấu, ghi chú lại những phần nào bạn không theo kịp. Sau buổi học, bạn có thể đọc lại thông tin trong sách, hỏi mượn vở ghi bài của bạn học, hoặc hỏi riêng giảng viên sau giờ học nếu chưa thoải mái hỏi trong giờ học.

3.  “Nhiều phần trong bài giảng em chẳng hiểu gì í.”

Cách xử lý: “Hỏi Google.”

Thực tế thì việc phải giảng cho một giảng đường rất đông sinh viên, với nhiều trình độ tiếp thu, sẽ khiến giảng viên khó mà đưa ra phần giảng cặn kẽ cho mức độ hiểu cho từng sinh viên được. Vì thế, nếu bạn thấy bài giảng khó hiểu thì cũng đừng lo lắng, hãy hỏi Google. Thật tuyệt vì chúng ta đang được sống trong một thời đại thông tin vô cùng dễ tiếp cận.

Cách thứ hai đó là hãy đọc kỹ tài liệu, làm hết bài tập mà giảng viên giao trước giờ học. Vì thời gian trên lớp thường giới hạn, nên giảng viên thường sẽ nói lướt những phần đã giao cho sinh viên đọc trước. Tới đây mình nhớ lại hồi đi du học bên Ireland. Ôi chao hồi đầu đến lớp mình không hiểu gì luôn. Sau đó mình nghĩ do tiếng Anh kiểu Ireland khó nghe nên mình mới không hiểu. Sau đó phát hiện ra là vì mình lười không đọc bài thầy giao trước nên không hiểu đó thôi. Sau đó thì mình thay đổi, đọc rất kĩ, kết quả tiếp thu bài tốt hơn hẳn luôn heee.

Cách thứ ba là hãy hỏi bạn bè, anh chị khóa trên. Đây cũng là cách kết nối rất tốt.

4.  “Sao em thấy khó tập trung học lắm í.”

Cách xử lý: “Tắt smartphone đi.”

Thật mà, bạn cứ thử tắt đi xong thấy độ tập trung của mình tăng lên vù vù luôn. Sự thật là điện thoại thông minh với quá nhiều chức năng, quá nhiều tin tức, quá nhiều trò chơi, luôn khiến sự chú ý của mình bị ngắn đi rất nhiều.

Sau đó, hãy nhiệt tình tham gia vào giờ học: nhiệt tình đặt câu hỏi, nhiệt tình trả lời câu hỏi của giảng viên, nhiệt tình ghi bài. Tập trung cực kỳ luôn.

Nếu bạn có thêm thắc mắc gì muốn tâm sự riêng, có thể email về cho mình tại linhtutu2019@gmail.com nhé.

Linh Từ Từ

Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm

15 Thoughts to “Bốn Nỗi Khổ Khi Học Đại Học Và Lời Khuyên Từ Một Giảng Viên”

  1. […] Bốn Nỗi Khổ Khi Học Đại Học Và Lời Khuyên Từ Một Giảng Viên […]

  2. Viet Anh

    Cô nói đúng những khúc mắc mà em đang gặp luôn ạ, nhưng em cũng coi đó là cơ hội để mình tự học nhiều hơn!

    1. Đó cũng là một tư duy rất tiến bộ Việt Anh thân yêu. Chúc bé luôn happy và may mắn nhé! <3

Leave a Comment