Chăm Sóc Nỗi Buồn Trượt Đại Học Bằng Thiền Chánh Niệm

Chăm Sóc Nỗi Buồn Trượt Đại Học

Trượt đại học thực ra còn hơn một nỗi buồn với nhiều bạn. Nhiều câu chuyện tự tử vì trượt đại học trong những năm gần đây khiến chúng ta đau lòng. Bài viết này sẽ chia sẻ cách chăm sóc cảm xúc này bằng thiền chánh niệm.

Xem thêm:

Tập Thiền Chánh Niệm Giúp Vượt Qua Trầm Cảm Như Thế Nào?
Thiền Chánh Niệm Giúp Điều Trị Chứng Mất Ngủ Thế Nào?
Tại Sao Tập Thiền Chánh Niệm Giúp Mình Hạnh Phúc Hơn?

Chăm sóc nỗi buồn trượt đại học bằng thiền chánh niệm thế nào?

Góc nhìn trong thiền chánh niệm về trượt đại học

Trượt đại học thì sao? Không sao cả.

Trượt đại học thì sao? Không sao

Đó không phải là 1 lời động viên. Đó là thực tế. Bằng đại học đã không còn là tấm vé duy nhất bước vào cuộc sống. Giờ đây, nó chỉ là 1 trong các lựa chọn.

Cùng nhìn sâu một chút. Lý do cần đỗ đại học là gì?

  1. Để có bằng cấp tốt, dễ sau này kiếm việc
  2. Để có kiến thức, dễ sau này có 1 công việc tốt
  3. Hài lòng gia đình, nhà trường, cộng đồng mạng
  4. Hài lòng chính bản thân mình vì đã học và cố gắng.

Thực tế thì sao?

Có bằng đại học chưa chắc đã kiếm được việc

Như vậy trong số 10 người đỗ đại học, chỉ 2-3 người là có thể vui vẻ từ đầu tới cuối (đỗ đại học, tốt nghiệp có việc, làm đúng ngành). 7-8 người còn lại, lúc đầu khi đỗ đại học có thể vui, đạt được kì vọng, được gia đình xã hội vỗ tay, nhưng 4-5 năm sau lại rơi vào một nỗi buồn mới về công việc. Lúc ấy, họ còn thêm thiệt hại là mất thời gian (4-5 năm) và tiền bạc (60 – 80 triệu học phí, chưa kể chi phí ăn uống sinh hoạt ít nhất 150 – 190 triệu cho 4-5 năm).

Học đại học chưa chắc đúng và đủ kiến thức để đi làm

Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đồng thuận rằng kiến thức trong trường đại học không phù hợp với thực tế công việc. Trong bài báo dưới đây, 100% doanh nghiệp Nhật Bản phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường. Mất 1-2 năm.

Kỹ sư mới ra trường: 100% phải đào tạo lại?

Như vậy, với 2-3 người kiếm được việc nhờ tấm bằng đại học, họ lại cần thêm 1-2 năm nữa học tập để làm việc được.

Nên nhìn thế nào về những chê bai phán xét của gia đình, và xã hội.

Đầu tiên, nó khiến trái tim mình đau đớn. Sau đó, nếu mình càng nhận ra sớm những điều sau thì càng tốt:

  • Người ngoài có thể khen, có thể chê, nhưng tuyệt nhiên không sống hộ được cuộc sống của mình.
  • Các quyết định của mình cần dựa trên những lợi-hại thực tế hơn là những lời khen-chê
  • Nếu có quan tâm đến lời chê bai phán xét, cũng chỉ quan tâm đến những lời chê bai của gia đình. Vì họ quan trọng với mình. Và khi đón nhận từ những người đó, cũng nhớ rằng, họ vì buồn mà nói vậy. Mình cũng nghe thôi. Nhưng mình biết cái họ mong duy nhất, là mình sống 1 cuộc đời hạnh phúc (mong mình đỗ đại học cũng vì thế mà). Vậy thì hãy kiến tạo cuộc đời hạnh phúc luôn thì hơn.

Nếu thất vọng về bản thân, hãy nhớ….

Vui vẻ khi thành công thật dễ. Thất vọng khi thất bại cũng dễ. Vững vàng được khi thất bại mới làm nên giá trị một con người. Mà cuộc sống là vậy ấy. Thất bại sẽ còn đến, không chỉ một lần này đâu.

Chốt lại: Trượt không hẳn đã tệ. Đỗ không hẳn đã sướng.

Cùng nhìn vào bảng sau để thấy rõ hơn

Phân tích Trượt đại học Đỗ đại học
Các điểm lợi ●     Bắt đầu kiếm tiền được sớm hơn các bạn cùng tuổi còn đang đi học sống dựa bố mẹ

●     Thời gian và số tiền gia đình phải nuôi ít hơn các bạn cùng tuổi đang đi học đại học

●     “Vào đời” sớm hơn, tích lũy được kinh nghiệm thực tế về công việc và cách sống nhiều hơn các bạn cùng tuổi đang đi học

●     Cơ hội rèn luyện bản lĩnh và tự tin, khi đối diện với phán xét của dư luận

 

●     Được gia đình, xã hội vỗ tay

●     Có cảm giác yên tâm hơn cho công việc tương lai

●     Tự hào với thành tích của mình

●     Được học thêm kiến thức ở mức tư duy cao, năng lực nghiên cứu tăng

Các điểm bất lợi ●     Khó khăn khi đứng trước hàng loạt phán xét của gia đình và dư luận

●     Cảm thấy thất vọng, nghi ngờ chính mình

●     Hoang mang về tương lai của mình

 

●     Có nguy cơ cơ tốn 4-5 năm và 210-270 triệu mà cuối cùng vẫn thất nghiệp

●     Có nguy cơ sẽ bị gia đình,xã hội chê bai “Có bằng đại học mà lại không kiếm được việc

●     Thời gian gia đình phải nuôi mình lâu hơn

●     Số tiền gia đình bỏ ra cho mình nhiều hơn

●     Có nguy cơ sau này hoài nghi về chính lựa chọn học đại học của mình

Chăm sóc nỗi buồn trượt đại học bằng thiền chánh niệm

Đầu tiên, hãy nhớ rằng không cần tự nhủ bản thân “Phải mạnh mẽ lên”. Không cần gạt đi nỗi buồn này. Vì càng làm như vậy, nỗi buồn càng ở lại lâu. Hãy dành thời gian chăm sóc nó. Rồi nó sẽ tự chuyển hóa. Đó mới là cách hiệu quả.

Dành 10 phút, ở 1 nơi thoải mái, làm theo bài thiền sau:

Chọn 1 tư thế thật thoải mái

Bạn có thể chọn nhắm mắt, hoặc không

Bây giờ, hãy cùng để ý cơ thể bạn hiện tại đang cảm thấy thế nào

Hãy cảm nhận nơi bạn đang ngồi

Sức nặng của đôi tay bạn

sức nặng của đôi vai bạn

Sức nặng của đôi chân bạn

Bây giờ, hãy chú ý đến âm thanh xung quanh bạn

Đang có âm thanh gì đó? Nó ở gần, hay ở xa bạn?

Hãy ghi nhận tất cả mọi âm thanh

Bây giờ, hãy đưa sự chú ý tới hơi thở của bạn

Nhận ra khi bạn hít vào

Nhận ra khi bạn thở ra

Chỉ cần như vậy

Hít vào, thì biết hít vào

Thở ra, thì biết thở ra

Bây giờ, hãy cùng chú ý tới suy nghĩ khi mình trượt đại học

Hãy đơn thuần quan sát những suy nghĩ khiến mình thấy không vui ấy

Đó là gì?

Hãy liệt kê theo cấu trúc “Tôi có suy nghĩ rằng …”

Ví dụ nhé “Tôi có suy nghĩ rằng mình kém cỏi vì thi trượt đại học”

“Tôi có suy nghĩ rằng tôi đáng sự trách móc của bố mẹ”

“Tôi có suy nghĩ rằng mình rất sợ ra ngoài gặp mọi người và bị mọi người hỏi về kết quả thi đại học”

“Tôi có suy nghĩ rằng chẳng biết tương lai ra thế nào nữa”

Bây giờ, hãy chú ý xem những suy nghĩ này khiến mình có cảm xúc thế nào?

Hãy liệt kê theo cấu trúc “Tôi đang cảm thấy…”

Ví dụ nhé

Tôi đang cảm thấy buồn

Tôi đang cảm thấy thất vọng

Tôi đang cảm thấy yếu đuối

Tôi đang cảm thấy tự ti

Tôi đang cảm thấy giày vò

Tôi đang cảm thấy hoảng loạn

Tôi đang cảm thấy hoang mang

Tôi đang cảm thấy lo lắng

Bây giờ, hãy để ý phản ứng cơ thể khi mình quan sát thấy các cảm giác này

Có thể, bạn thấy tim mình như nặng trĩu đi 1 tí

Cổ họng mình như thắt chặt lại 1 tí

Vai mình như căng lại 1 tí

Còn gì nữa không? Còn bộ phận trên cơ thể nào có tác động khi mình quan sát thấy những cảm giác ấy không?

Bây giờ, hãy hít thở

Hãy thử tiếp tục ngồi lại, tiếp tục quan sát và ghi nhận các cảm giác ấy, và các phản ứng trên cơ thể

Bây giờ, nếu có thể, bạn hãy thử đặt tay lên trái tim mình

Đặt thật nhẹ nhàng, chậm rãi

Nếu có thể, hãy thử xoa xoa trái tim mình, giống như 1 người bạn, đang chăm sóc 1 người bạn

Vẫn giữ tay như vậy nha.

Và bây giờ, nếu có thể, hãy cùng nhắc lại những câu sau:

Thất bại lần này, cũng chỉ là một trải nghiệm

Thất bại hôm nay, không định nghĩa tương lai của tôi

Sẽ ổn thôi.

Tôi yên ổn

Tôi an lành

Tôi chấp nhận chính tôi

Tôi đón nhận chính tôi

Cả khi thành công

Cả khi thất bại

Có thể bây giờ tâm trí của bạn lại cuốn vào 1 việc khác, không sao cả. Lại cùng nhắc lại những câu phía trên

Tôi yên ổn

Tôi an lành

Tôi chấp nhận chính tôi

Tôi đón nhận chính tôi

Cả khi thành công

Cả khi thất bại

Hãy dành cho bạn sự động viên, và tin tưởng, và chấp nhận, mà 1 người bạn tốt dành cho 1 người bạn khác đang cảm thấy khó khăn

Tôi yên ổn

Tôi an lành

Tôi chấp nhận chính tôi

Tôi đón nhận chính tôi

Cả khi thành công

Cả khi thất bại

Một lần nữa, hãy nghĩ về những suy nghĩ khiến cho bạn đau khổ vì việc thi trượt lần này, và hãy an ủi chúng

Tôi yên ổn

Tôi an lành

Tôi chấp nhận chính tôi

Tôi đón nhận chính tôi

Cả khi thành công

Cả khi thất bại

Tôi cảm ơn tôi

Vì luôn bên cạnh

Tin tưởng chính mình

Làm chỗ dựa cho chính mình

_Kết thúc_

Đây là một bài tập rất hữu ích, hãy dành 10 phút làm hàng ngày bạn nhé. Dần dần, nó sẽ giúp thay đổi năng lượng bên trong, và thay đổi tư duy của bạn. Cuộc sống là một hành trình, nhiều trải nghiệm, tốt có xấu có. Hãy chăm sóc chính mình để thoải mái trải nghiệm cuộc sống thật sự bạn nhé!

Sau khi tập bài thiền này để bình tĩnh lại, bạn có thể tìm được rất nhiều cơ hội trước mắt khác để bước vào cuộc sống ngoài việc đi học đại học. Linh Từ Từ sẽ chia sẻ ở bài tiếp theo nhé.

Nếu cần giúp đỡ thêm. Xin hãy email cho Linh Từ Từ tại linhtutu2019@gmail.com.

Gửi yêu thương đến các bạn!

Linh Từ Từ

-Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm-

16 Thoughts to “Chăm Sóc Nỗi Buồn Trượt Đại Học Bằng Thiền Chánh Niệm”

  1. […] Chăm sóc nỗi buồn trượt đại học bằng thiền chánh niệm thế nào? Chăm Sóc Sự Lo Lắng, Căng Thẳng Mùa Dịch Covid Với Thiền Chánh Niệm Tập Thiền Chánh Niệm Giúp Vượt Qua Trầm Cảm Như Thế Nào? […]

Leave a Comment