Từ khi còn là một sinh viên đến khi thành một giảng viên, mình hiểu rằng thi trượt, điểm kém luôn là một nỗi buồn to tát của người đi học. Bài viết này mình chia sẻ 4 bước để xử lý theo thiền chánh niệm: đón nhận để bình tĩnh – bình tĩnh để nhìn sâu – nhìn sâu để xử lý – vừa xử lý vừa cổ vũ bản thân.
Làm Dịu Căng Thẳng Thi Cử Với Thiền Chánh Niệm
Quy Tắc 90 Giây Để Quản Trị Cảm Xúc
Mục Lục
4 bước cần làm khi thi trượt, điểm kém
Bước 1: Cho phép bản thân cảm thấy thất vọng
Bạn không cần phải gồng lên mạnh mẽ khi thấy thất vọng, buồn bực, chán nản vì thi trượt, điểm kém . Trái với niềm tin của nhiều người rằng khi buồn hãy tự động viên mình “Cố gắng lên. Vui vẻ lên”, việc bắt bản thân tích cực ngay lập tức sẽ phản tác dụng. Bạn có thể đọc kĩ hơn ở bài này nha Chiếc Bẫy Của Tâm Lý Tích Cực. “Buồn Thì Cứ Khóc Đi!”
Thay vào đó, hãy cho phép mình đón nhận cảm giác thất vọng này. Hãy cho phép cảm giác ấy diễn ra trong bạn. Hãy quan sát nó. Chính sự đón nhận và quan sát này sẽ giúp bạn bình tĩnh trở lại nhanh hơn rất nhiều.
Bước 2: Nhìn sâu vào nỗi thất vọng
Sau khi bình tĩnh trở lại, bạn có thể nhìn sâu vào nỗi thất vọng này. Tại sao bạn lại thất vọng cơ chứ? Không phải 100% sinh viên cảm thấy thất vọng khi điểm không như ý, phải không? Chúng ta chỉ thất vọng vì những thứ mình thực sự quan tâm, thực sự đầu tư thời gian công sức. Như vậy, sự thất vọng này chỉ chứng tỏ bạn là 1 sinh viên ham học, đầy chí tiến thủ. Với tinh thần học tập như thế, thì điểm kém lần này, việc thi trượt lần này không phải là “ngày tận thế”, nó chỉ là 1 cú trượt phong độ, còn bạn sẽ tìm được cách để giành lại đẳng cấp học tập của mình.
Tìm ra lý do điểm kiếm, thi trượt là gì
Chắc chắn lúc này bạn đã đủ bình thản để tìm hiểu xem tại sao điểm mình lại như vậy và tìm cách khắc phục. Và đó chính là giá trị của những thất bại phải không? Đó là cho mình những bài học để không ngừng tiến bộ. Vì thế, không có lý do nào chính đáng cả để cảm thấy tội lỗi khi thi trượt, hoặc đạt điểm kém. Rắc rối chỉ đến khi bạn mắc cùng 1 lỗi quá nhiều lần mà thôi. Vì như vậy là bạn không học được khi thất bại cả.
Điểm kém do hết giờ mà chưa làm xong, sẽ dạy bạn việc phân bổ thời gian tốt hơn trong bài thi sau. Điểm kém do trả lời câu hỏi không đúng trọng tâm sẽ dạy bạn không hùng hục lao vào phần trả lời ngay khi nhận được đề nữa, mà phải giành thời gian nghiên cứu đề.
Nếu không tự mình nhận ra được lý do
Bạn hãy hỏi trực tiếp hoặc email cho giáo viên. Nếu bạn sợ giáo viên thấy phiền thì không phải đâu. Như mình nè, mình rất quý sinh viên nào hỏi mình “Cô ơi bài này em thấy em làm tốt mà điểm lại thấp hơn kì vọng. Cô chỉ cho em với đề em rút kinh nghiệm lần sau ạ.”. Vì mình biết rằng các em rất có chí trong học tập.
Bước 3: Lên kế hoạch “phục thù”
Hiểu về các kĩ năng học tập cần thiết
Đây là bảng “36 kĩ năng học tập thành công”. Bạn hãy xem xét thật kỹ xem kĩ năng nào mình cần nâng cấp nhé.
1.Đặt mục tiêu học tập hợp lý | 2.Tự đặt ra các thời hạn đánh giá | 3.Viết theo định hướng học thuật | 4.Tự tạo động lực | 5.Tập trung | 6.Viết phân tích |
7.Tự tin trong học tập | 8.Luôn tuân thủ đúng lịch trình | 9.Đọc rà soát, chỉnh sửa lỗi | 10.Duy trì tâm lý tích cực | 11.Tìm được giá trị từ mọi giờ học | 12.Học từ các phản hồi |
13.Học được từ các lần mắc lỗi | 14.Tự tóm tắt bài học theo cách hiểu của mình | 15.Tự lập kế hoạch ôn thi | 16. Có tư duy cầu tiến | 17. Sử dụng ghi chú khi viết luận | 18. Chủ động ôn tập |
19. Tự ăn mừng khi đạt thành tích | 20. Làm ghi chú để ôn thi | 21. Ghi nhớ tài liệu | 22. Lên thời gian biểu học tập hợp lý | 23. Lên dàn bài luận | 24. Chăm sóc căng thẳng mùa thi |
25. Sắp xếp tài liệu học tập | 26. Hiểu các câu hỏi viết luận | 27. Hiểu đề thi | 28. Lên nhiệm vụ học tập | 29. Trích dẫn tài liệu tham khảo | 30. Thể hiện tốt trong kì thi |
31. Lên kế hoạch cho các học phần | 32. Nghiên cứu | 33. Toán thống kê dữ liệu | 34. Học tập chủ động (không trì hoãn) | 35. Tư duy phản biện | 36. Giải quyết vấn đề |
Lên kế hoạch hành động
Đặt câu hỏi:
- Nếu mình trượt bài thi này/ môn học này thì tiếp theo sẽ thế nào? Mình có được thi lại không? Nếu có thì khi nào? Mình có được học lại không? Nếu có thì khi nào?
- Nếu điểm thi này thấp hơn dự kiến, thì sao? Tổng điểm cuối cùng sẽ thế nào? Liệu có thể vớt lại ở bài thi khác không?
Lên kế hoạch nâng cấp kèm ngày tháng rõ ràng để thúc đẩy hành động, ví dụ:
- Nói chuyện với giáo viên để tìm ra nguyên nhân điểm kém và cách khắc phục. Khi nào?
- Đọc các tài liệu để nâng cấp kĩ năng học tập còn yếu (Ví dụ: Bạn thấy mình đang yếu kĩ năng trích dẫn tài liệu tham khảo, thì bạn cần tải về hướng dẫn về việc trích dẫn tài liệu tham khảo và thực hành trích dẫn tài liệu tham khảo cho chính xác). Khi nào?
- Kết nối với sinh viên khóa trên để học hỏi kinh nghiệm. Khi nào?
Bước 4: Luôn tin tưởng, cổ vũ bản thân
Luôn nhớ rằng thất vọng về bản thân khi điểm kém hoặc thi trượt là điều bình thường. Quan trọng là bạn luôn cần nhớ: đạt điểm kém không có nghĩa bạn là kẻ thất bại. Nó là cơ hội để bạn thử thách bản thân, vượt qua giới hạn, đạt những thành tích tốt hơn.
Có 3 điều để đạt thành tích cao trong học tập: chăm chỉ, thông minh, và tự tin. Hãy luôn có nhiều cả 3 điều này bạn nhé và hãy trân trọng giá trị của những lần thi trượt, điểm kém nha!
Linh Từ Từ
Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm