Trong mỗi người trưởng thành, luôn có một đứa trẻ bên trong. Bài viết này để chia sẻ cách chăm sóc những tổn thương tâm lý thời thơ ấu (childhood adversities), hay cách chữa lành đứa trẻ bên trong bằng thiền chánh niệm.
Xem thêm:
Bạn Đang Có Những Tổn Thương Thời Thơ Ấu Nào Không?
Chiếc Bẫy Của Tâm Lý Tích Cực. “Buồn Thì Cứ Khóc Đi!”
Lý Do Đầu Tiên Khiến Chứng Rối Loạn Lo Âu Gia Tăng Và Cách Xử Lý
Mục Lục
- 1 Cách chữa lành đứa trẻ bên trong bằng thiền chánh niệm.
- 1.1 Thay đổi góc nhìn về những “chuyện trẻ con” ấy
- 1.2 Không trốn tránh các tổn thương thời thơ ấu
- 1.3 Tin tưởng vào khả năng tự chữa lành đứa trẻ bên trong của chính mình
- 1.4 Chọn cách rời xa hoặc tha thứ cho người gây tổn thương, tùy vào nội lực hiện giờ của bạn.
- 1.5 Hiểu rằng việc chữa lành đứa trẻ bên trong chính là cách trưởng thành
Cách chữa lành đứa trẻ bên trong bằng thiền chánh niệm.
Thay đổi góc nhìn về những “chuyện trẻ con” ấy
Nhận ra và chấp nhận những “chuyện trẻ con” ấy là “chuyện người lớn”
Như trong bài viết trước mình chia sẻ, nguyên nhân khiến các tổn thương tâm lý thời thơ ấu rất khó chữa lành là vì mình nghĩ người lớn rồi nên bỏ qua chuyện đó đi. Cho đến khi mình lần ra rằng thật nhiều tổn thương của mình, từ chuyện tình cảm tới bạn bè công việc, khi mình hai mấy tuổi, đều liên quan đến những vấn đề thời thơ ấu.
Và chỉ là những vấn đề thơ ấu nhỏ thôi: cha mẹ luôn trách phạt mình khi phạm lỗi, cha mẹ luôn nghiêm khắc muốn mình làm theo ý cha mẹ, cha mẹ mỗi khi không hòa thuận với nhau lại trút giận lên mình.
Và lúc ấy, mình chấp nhận rằng “Tổn thương là câu chuyện của riêng mỗi người. Nó không cần phải bị so sánh với ai. To hay bé thì đó cũng là vấn đề của mình, gây ảnh hưởng đến mình. Thế thì mình sẽ để ý và tự tìm cách.” Đó là khi sự chữa lành được bắt đầu.
Không trốn tránh các tổn thương thời thơ ấu
Lắng nghe các tổn thương
Khi mình không kìm nén nữa, mình “nghe” các tổn thương ấy.
Kiểu như:
- Tôi có một cảm giác tủi thân khi nhớ lại những lần bạn bè không cho tôi chơi cùng.
- Tôi có một cảm giác ấm ức khi nhớ lại những lần mẹ bênh em tôi dù em làm sai.
- Tôi có một cảm giác bất an khi nhớ lại những lần tôi làm sai và bị người lớn trách phạt.
- Tôi cảm thấy trái tim tôi nặng đi khi nhớ lại những cảm giác đó.
- Tôi cảm thấy họng tôi nghèn nghẹn khi nhớ lại những cảm giác đó.
Cứ kể ra như vậy, không sót 1 điều gì. Đây chính là cách “nỗi lòng sẽ nguôi ngoai”.
Tin tưởng vào khả năng tự chữa lành đứa trẻ bên trong của chính mình
Tin tưởng rằng mình đã lớn, độc lập tài chính, độc lập suy nghĩ, độc lập trong cảm xúc. Nên mình hoàn toàn có khả năng chăm sóc “đứa trẻ bên trong” mình, chữa lành những tổn thương ngày xưa. Mình cũng tin rằng nếu mình chưa thể tự chữa lành, mình sẽ tìm được người hỗ trợ mình. Nói chung là nó sẽ lành.
Chọn cách rời xa hoặc tha thứ cho người gây tổn thương, tùy vào nội lực hiện giờ của bạn.
Khi nội lực còn yếu, hãy chọn cách rời xa
Có thời gian, mình cũng quay ra trách móc bố mẹ. Đương nhiên chỉ là trong lòng thôi. Rằng tại vì bố mẹ cư xử như vậy, mà giờ đây con tự ti, giờ đây con có tâm lý sợ thử thách, con luôn sợ mất lòng người khác.
Rồi bố mẹ vẫn đối xử với mình như vậy khi mình lớn lên. Thành ra có thời gian mình đi học xa, mình ngại về nhà.
Điều ấy cũng có ích với mình. Được gặp nhiều bạn bè mới, môi trường mới, học hỏi được nhiều, cho mình hiểu thêm về bản thân mình, tiềm năng của mình. Nội lực cũng mạnh dần lên.
Khi nội lực mạnh lên, hãy mạnh dạn tha thứ
Cho tới một ngày, mình vẫn nhớ buổi trưa hôm ấy, mình đi bộ trên 1 con đường. Thấy có 1 nhóm thợ xây đi ngược lại. Chẳng hiểu sao lúc ấy mình nghĩ lại bố mình ngày xưa cũng như vậy.
Vì ngày xưa bố cũng là thợ xây. Cũng là 1 chàng trai trẻ, vất vả làm việc kiếm tiền như vậy, và nuôi con. Lần đầu làm bố. Đời sống cảm xúc của bố khi ấy có khi còn chưa trưởng thành, thì đã phải làm bố, phải nuôi dạy 1 con người.
Rồi mẹ mình cũng vậy. Lần đầu làm mẹ. Vừa phải lo con đủ ăn, vừa phải lo con học hành để tương lai sẽ không khổ như mình. Lần đầu làm mẹ đâu biết gì đâu.
Những mắng nhiếc, đòn roi ấy, âu cũng là sự vụng về. Và cũng có thể là học hỏi từ ông bà đời trước.
Nghĩ tới đó, mình ứa nước mắt. Xong lại nghĩ. Mình được học hành, được biết cách chăm sóc tinh thần. Mình có thể tha thứ cho những vụng về của cha mẹ đã gây nên tổn thương trong lòng mình được không? Câu trả lời là có. Và đương nhiên việc ấy mình không làm được ngay, nhưng sau một thời gian cũng đã làm được.
Hiểu rằng việc chữa lành đứa trẻ bên trong chính là cách trưởng thành
Trong hành trình của mình, mình học được thêm về thấu hiểu bản thân, mình học được thêm về tiềm năng của mình, mình cũng thêm cả sự thấu hiểu, thêm cả sự vững vàng đi qua những lúc cảm thấy không dễ chịu. Với mình, đó chính là một phần của trưởng thành.
Mình cũng hiểu trong cuộc sống, ai cũng sẽ bị tổn thương. Không lúc nhỏ thì là lúc lớn. Đó thực ra là các bài kiểm tra. Đương nhiên bài kiểm tra không bao giờ là dễ. Nên mới cần nỗ lực học hỏi. Thành ra mình cứ đón nhận thôi.
Người ta cứ nghĩ “Thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương”. Không phải. Dưới dạng năng lượng, mọi ách tắc gây ra vì tổn thương sẽ không bao giờ mất đi nếu không chủ động chữa lành. Hãy chữa lành đứa trẻ bên trong để thực sự lớn lên nha các bạn.
Linh Từ Từ
_Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm_
Thật tuyệt vời!