Không phải cảm xúc tích cực, cái ta cần để hạnh phúc là thái độ tích cực với mọi cảm xúc

Bây giờ, “cảm xúc tích cực” đang trở thành 1 chuẩn mới về đạo đức. Nghĩa là khi bạn luôn luôn vui vẻ, thoải mái, không giận dữ, không ghen tị, … v..v..thì bạn mới là 1 người bạn đáng chơi, 1 người vợ/chồng chất lượng, 1 nhân viên tốt, 1 người sếp đỉnh. Và đó là 1 điều đáng tiếc.

Trong 1 cộng đồng tôn vinh sự tích cực một cách thái quá như thế, ít người sẽ muốn nghe, và hiểu những lúc bạn tiêu cực. Thậm chí họ tránh xa. Có khi họ còn coi thường. 

Khi được hỏi “Bạn có muốn sống 1 cuộc sống trọn vẹn không?”. Ai cũng gật đầu. Nhưng sẽ nhiều người không nhớ ra rằng, cuộc sống trọn vẹn có nghĩa rằng: ngoài những lúc vui hết nấc, có những lúc buồn thê thảm; ngoài những lúc ta hiền như 1 cơn gió cuối xuân, có những  lúc ta giận như 1 cơn bão giữa hè. Những cảm xúc khó khăn là 1 phần hiển nhiên trong bản hợp đồng giữa ta và cuộc đời.  Ta sẽ không thể tạo dựng nên 1 sự nghiệp đáng quý, 1 gia đình hạnh phúc thực sự mà không có những lúc căng thẳng, khó chịu. Full combo cuộc sống là như thế rồi. 

Thực ra thì xu hướng quá đề cao sự tích cực này (toxic positivity), cũng là một phần trong 1 cách phản ứng thường thấy với cảm xúc tiêu cực: chối bỏ nó. Cách còn lại là chìm đắm vào nó. Chìm đắm vào cảm xúc tiêu cực là cứ nghĩ về nó hoài, tự lý giải mình cảm thấy như thế là đúng rồi. Ví dụ mình đang bực mình 1 ai đó. Mình sẽ ôm cơn dỗi hờn ấy mấy ngày, dù đi xe, ăn cơm, chạy bộ cũng nghĩ về cơn dỗi đó và thấy “Mình bực mình là đúng quá rồi còn gì nữa. Bực quá bực quá điii.” 

Cách còn lại là chối bỏ cảm xúc tiêu cực. Ví dụ mình đang bực mình 1 ai đó mà chả may “ai đó” lại là sếp của mình. Thì mình sẽ hoặc là “nào đi ăn cho hết bực nào” “đi xem phim cho hết bực nào” “đi gội đầu cho hết bực nào”, “Niệm Phật cho hết bực nào”. “Nào, tích cực lên. Không giận nữa. Làm 1 người dễ thương.” 

Và thực tế thì không phải 1 người sẽ hoặc có xu hướng 1, hoặc có xu hướng 2, mà sẽ lúc thế nọ, lúc thế kia. Ví dụ: đầu tiên cứ chìm đắm vào cảm xúc bực bội, xong thấy mệt quá, mọi người bảo muốn hết mệt thì đừng bực nữa, thế sẽ nhảy sang mode “chối bỏ”. “Chối bỏ” 1 hồi gồng lên lại quá mệt, lại xụi lơ quay về mode “chìm đắm”.

Cả 2 xu hướng này đều không lành mạnh, và vì thế không bền.

Với mode “chìm đắm” thì rõ quá rồi, nó sẽ nhân lên sự tiêu cực trong bạn.

Với mode “chối bỏ” cũng nhân lên sự tiêu cực trong bạn. Một cách triết lý thì là vì bạn đã có 1 thái độ tiêu cực (chối bỏ) với 1 cảm xúc tiêu cực, thì thực ra cũng là bạn đang thêm năng lượng tiêu cực vào trong năng lượng tiêu cực vốn có của cảm xúc tiêu cực đó. Đó là lí do vì sao các nghiên cứu khoa học hẳn hoi đã chứng minh rằng càng chối bỏ cảm xúc tiêu cực thì cảm xúc tiêu cực ấy càng mạnh lên (mà có thể bạn không ngay lập tức thấy được, do đang mải gồng).  Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2013 của Trường Y tế Công cộng Harvard và Đại học Rochester, đã cho thấy những người kìm nén cảm xúc của họ tăng hơn 30% nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân, với nguy cơ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tăng lên. 70%. Mình đánh giá đây là 1 nghiên cứu đáng tin cậy, với số mẫu khá lớn (729), quan sát trong 1 thời gian khá dài (12 năm).

Thế làm nào? Như Linh có nói trong tiêu đề, đó là hãy có “Thái độ tích cực với mọi cảm xúc”.

Theo bạn, thế nào là “Thái độ tích cực với mọi cảm xúc”? 

Tài liệu tham khảo:

Chapman, B. P., Fiscella, K., Kawachi, I., Duberstein, P., & Muennig, P. (2013). Emotion suppression and mortality risk over a 12-year follow-up. Journal of psychosomatic research, 75(4), 381–385. https://doi.org/10.1016/j.jpsychores.2013.07.014

-Linh từ từ-

Nuôi dưỡng nội lực bằng chánh niệm

Leave a Comment