Dấu hiệu nhận biết người có ý định tự tử và cách giúp đỡ

Biết những điều này để giúp đỡ những người bạn, người đồng nghiệp, người thân nha. 

Dấu hiệu nhận biết người có ý định tự tử và cách giúp đỡ

Những dấu hiệu rõ ràng:

  1. Họ đột nhiên trầm lắng, tự cô lập thu mình lại, chửi bới họ không thiết cãi lại nữa, không muốn kết nối với ai.
  2. Họ thể hiện rõ ràng cảm giác bế tắc, vô vọng, trống rỗng, bất lực. 
  3. Họ nhắc đến cảm giác xấu hổ và tội lỗi ghê gớm bên trong họ. 
  4. Họ cho rằng những người thân của họ nếu không có họ thì tốt hơn.
  5. Họ có nói về ý định muốn tự tử. 
  6. Họ vừa trải qua một cú sốc quá sức chịu đựng (phá sản, mất người thân, rơi vào nợ nần chồng chất, bị chẩn đoán bệnh hiểm nghèo). 
  7. Với những người họ còn yêu thương, họ sẽ có những hành động thu xếp trước khi ra đi (để lại cho tài sản, đột nhiên chăm sóc hỏi han). 

Cách trợ giúp:

  1. Hỏi họ trực tiếp “Tớ để ý thấy dạo này cậu lạ lắm. Có phải cậu đang có ý định tự tử?”. Đừng suy nghĩ sai lầm rằng nói thế khiến họ có hành động tử tự nhanh hơn. Ngược lại, lời nói đó thể hiện có 1 người đang quan tâm đến họ, điều sẽ khiến họ thêm động lực để sống. Thêm vào đó, câu hỏi như 1 tiếng chuông, giúp họ dần dần tỉnh ra để không bị những suy nghĩ tự tử kia tiếp tục dắt mũi. Thái độ khi hỏi rất quan trọng. Không giễu cợt, không phán xét, không trách móc, chỉ hỏi bằng sự quan tâm yêu thương chân tình.
  2. Không nói “Đừng suy nghĩ dại dột thế.” Vì câu nói ấy vô nghĩa với họ. Với những người đang chán đời, tư duy của họ đã bị cảm xúc đánh bẫy, rơi vào 1 cái hố mà tâm lý học gọi là “tầm nhìn đường hầm”, tunnel vision. Trong cái đường hầm tối tăm của cuộc sống bế tắc ấy, tử tự với họ chính là sự giải thoát. Chỉ 1 cú nhảy 2 giây là có thể tắt hết những giằng xé nội tâm, dứt hết mọi đau đớn trong người. 
  3. Không nói “Phải mạnh mẽ lên. Phải tích cực lên.” Tương tự như câu trên, 2 câu này vô nghĩa.
  4. Không nói “Phải nghĩ cho cha mẹ chứ. Cho con cái chứ.” Vì câu này khiến họ tự tử nhanh hơn. Vì khi có ý định tự tử, sức nặng họ phải mang từ những tổn thương tinh thần là quá lớn. Và trước khi nghĩ đến phương án cuối cùng này, họ chắc chắn đã luôn nghĩ cho người thân của họ rồi. Chỉ là, tới lúc này thì hết cách thôi. Vì vậy, đừng chất thêm đá lên vai họ. 
  5. Trở thành nơi nương tựa tinh thần cho họ. Nói với họ “Nếu được, chia sẻ với tớ đi. Cậu chắc đã gặp nhiều khó khăn.”. Vì đó chính là thứ họ đang cần. Khi 1 người còn thấy rằng họ còn có chỗ dựa thực sự về mặt tinh thần, họ còn muốn sống. Trong khi lắng nghe họ, tuyệt đối không đưa lời khuyên. Vì lời khuyên khi ấy chẳng khác nào sự phán xét, rằng rơi vào bế tắc này là do họ kém cỏi. Khi ấy hãy toàn tâm toàn ý lắng nghe. Thỉnh thoảng nhắc lại lời của họ để thể hiện họ được lắng nghe, ví dụ: bố cậu đã nói “cậu thật là đứa vô tích sự.”? mẹ đã biết cậu có crush hồi lớp 6. Cô giáo chủ nhiệm đã nói về lỗi của cậu trong buổi họp phụ huynh cả lớp.” 
  6. Ở bên họ. Thái độ ở bên rất quan trọng. Nếu bạn ở bên cạnh như 1 cảnh sát luôn trông chừng, phán xét, trách móc, họ sẽ thấy ngột ngạt và muốn giải thoát nhanh hơn. Nếu bạn ở bên họ bình yên và yêu thương, bạn cứu được họ. 
  7. Tìm kiếm những sự trợ giúp chuyên nghiệp. Hãy tìm đến những chuyên gia tâm lý, chữa lành, chăm sóc tinh thần để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Đây là những dấu hiệu rõ ràng, cần hành động ngay. Trước đó, cần biết những dấu hiệu tiềm ẩn để hỗ trợ phòng ngừa. Linh sẽ chia sẻ thêm ở bài sau.

 

Linh từ từ

Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm

Leave a Comment