Bí Mật Ít Người Biết Về Sự Lạc Quan

Lạc quan thực ra là gì? Là nhìn mọi việc màu hồng trong khi thực tế nó màu đen. Không phải! Bài viết dưới đây sẽ giải thích bí mật ít người biết về một trong những tính cách quý giá nhất, quyết định sự thành công của bạn.

Bí Mật Ít Người Biết Về Sự Lạc Quan

Bí mật của sự lạc quan

Lạc quan KHÔNG phải là nhìn mọi việc màu hồng, khi thực tế nó màu đen. 

Hóa ra, theo Tan, Goleman, và Kabat-Zinn (2013)  sự lạc quan xuất phát từ cách nhìn thực tế và khách quan. Sự việc có thể nào, thì ghi nhận nó trọn vẹn như thế. Đó là lạc quan.

Thế á? Nhưng sự thực nhiều khi nó màu đen kít kìn kịt, đen toàn tập. Làm sao lạc quan được? 

Bạn có chắc không?

Thiên kiến tiêu cực của con người

Vì có thể bạn chưa biết rằng con người vốn có xu hướng để ý đến đầu tiên và để ý lâu hơn những khía cạnh tiêu cực hơn là những khía cạnh tích cực của một vấn đề (Vaish, Grossmann, & Woodward, 2008). Cái đó gọi là “thiên kiến tiêu cực”. 

Ví dụ: nếu trong một ngày của một cá nhân xảy ra tổng cộng 10 sự kiện, trong đó có 03 sự kiện mang lại cảm giác bi quan, và 07 sự kiện mang lại cảm giác lạc quan, thì ấn tượng về 03 sự kiện mang lại cảm giác bi quan kia sẽ nổi trội hơn, khiến cho người đó cuối cùng nghĩ rằng ngày hôm nay của họ phần lớn là những chuyện bi quan.

Theo Fredrickson (2009), một chuyên gia tâm lý nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lý tích cực, một cảm xúc tiêu cực sẽ có sức mạnh gấp ba lần một cảm xúc tích cực. Tức là nếu một người có một trải nghiệm tiêu cực, thì cần phải có đến ba trải nghiệm tích cực để lấy lại được tâm trạng cân bằng. 

Chứng tỏ: tâm lý bi quan thực ra là do chưa có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và khách quan. 

Và điều đó cũng chứng tỏ rằng tâm lý lạc quan là một kỹ năng có thể rèn luyện được, chứ không phải là một bản tính thiên bẩm không thể thay đổi.

Vậy rèn luyện tinh thần lạc quan thế nào?

Bước 1: Nhận ra “Thiên kiến tiêu cực” 

Theo Tan, Goleman, và Kabat-Zinn (2013), để học được sự lạc quan đầu tiên cần nhận thức được sự tồn tại và sức mạnh chi phối của  “thiên kiến tiêu cực”. Hiểu biết này sẽ giúp góp phần thay đổi cách nhìn của mỗi người về bản thân họ.

Bước 2: Rèn luyện năng lực chánh niệm

Tiếp theo, mỗi người có thể cân nhắc rèn luyện năng lực chánh niệm. Vì rõ ràng như vừa trình bày phía trên, để rèn luyện kĩ năng lạc quan, chúng ta cần có thái độ khách quan đối với các trải nghiệm của mình, mà năng lực chánh niệm lại chính là khả năng chú ý đến một trải nghiệm một cách khách quan, không phán xét  (Kabat-Zinn, 2005). Khi rèn luyện năng lực chánh niệm rồi, cứ khi nào thành công, hay thất bại, một người được gợi ý là hãy mang quan sát cảm giác cơ thể của họ. Sau đó, quan sát đến cảm xúc của họ. Cuối cùng, hãy quan sát các suy nghĩ của họ. Họ đang giải thích sự thành công hay thất bại này như thế nào? Họ thấy giá trị của bản thân họ tăng hay giảm theo sự thành công hay thất bại này? 

Bước cuối: Biến chuyển góc nhìn với sự kiện

Bước cuối cùng để rèn luyện sự lạc quan là hãy biến chuyển trải nghiệm với sự kiện này ở cấp độ suy nghĩ. Khi đạt được thành công, hãy chủ động ghi nhận nó và ghi nhận cả công sức của mình. Làm điều này đều đặn, mỗi người sẽ xây dựng thói quen chú ý đúng mức đến thành công. Còn khi xảy ra thất bại, hãy nhận ra các bằng chứng cho thấy thất bại này chỉ là ngắn hạn. Nếu có quá nhiều những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, hãy cố tình nhớ lại những thành tựu trước đây của bạn để cân bằng lại. Sau đó, hãy tìm ra bất kể bằng chứng rõ ràng nào rằng có khả năng để hi vọng về tình huống thất bại lần này. Tất cả những điều này để tạo ra cái nhìn toàn diện, khách quan, cân bằng với 1 sự kiện. Vì rút cục thì sự kiện nào xảy ra đều có mặt tốt, mặt không tốt của họ. Chỉ bởi vì mặt tốt không đúng với kỳ vọng với kì vọng trước đó của một cá nhân, thành ra cá nhân ấy mới thấy khó khăn để ghi nhận mặt tốt mà thôi. 

Tan, Goleman, và Kabat-Zinn (2013) cũng cho rằng khi quy trình ba bước rèn luyện sự lạc quan này được thực hành thường xuyên thì một thói quen tinh thần mới được hình thành. Thói quen mới này sẽ giúp lần tới khi lại gặp thất bại, một người có thể nhanh chóng tìm được những lý do thực tế để hi vọng, và vì thế họ sẽ phục hồi nhanh hơn từ thất bại. 

Vì thế, sự lạc quan dần dần tăng lên. 

Chúc chúng mình mỗi ngày mỗi lạc quan!

Tài liệu tham khảo:

  • Fredrickson, B. (2009). Positivity: Groundbreaking Research Reveals How to Embrace the Hidden Strength of Positive Emotions, Overcome Negativity, and Thrive (28520th ed.). New York, The USA: Crown Archetype.
  • Tan, C., Goleman, D., & Kabat-Zinn, J. (2013). Search Inside Yourself: The Unexpected Path to Achieving Success, Happiness (and World Peace). New York, The USA: Harper.
  • Vaish, A., Grossmann, T., & Woodward, A. (2008). Not all emotions are created equal: The negativity bias in social-emotional development. Psychological Bulletin, 134(3), 383–403. https://doi.org/10.1037/0033-2909.134.3.383

Linh Từ Từ

Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm

Leave a Comment