Sau đây là tâm lý phổ biến của những người nói những điều bất lợi về một người khác không có mặt trong cuộc trò chuyện.
Để cảm thấy bản thân tốt đẹp hơn
Những người không cảm thấy hài lòng về bản thân thường sẽ cảm thấy tốt hơn khi họ đánh giá người khác một cách tiêu cực. Điều đó khiến họ cảm thấy ổn hơn với những bất an của chính họ. Họ thường tìm kiếm những sai sót và thất bại của người khác như 1 lá chắn để có thể ngừng lo lắng về những rắc rối của chính họ. Ví dụ: Cô A và cô B cùng quen cô C giàu có. Cô A mãi mà không thấy giàu, cũng thấy lo lo. Cô A lại biết được cô C giàu có nhưng gia đình không hạnh phúc. Cô A sẽ buôn chuyện với cô B kiểu “Đó, nhỏ C đó có nhiều tiền để mà làm gì? Cuối cùng gia đình lục đục. Như tao nè tiền bạc xoàng xoàng nhưng gia đình yêu quý nhau.”
Không biết mình đang nói xấu người khác
Có nhiều người còn không biết là mình đang nói những điều bất lợi cho người khác. Họ chỉ nghĩ rằng mình đang chia sẻ sự thật để mọi người cùng rút ra bài học gì đó. Cần hết sức cẩn thận với điều mà bạn coi là “thật”. Một người có ý thức cao sẽ luôn đặt câu hỏi về tính đúng đắn của 1 điều mình nói trước khi lan tỏa nó đi với những người khác. Khi mình nói điều bất lợi về người khác mà không kiểm chứng, nếu người nghe là người thông thái, họ sẽ không hùa vào, mà quay ngược lại nghi ngờ uy tín của chính người buôn chuyện.
Vì rảnh quá không có chuyện gì nói
Khi mọi người không tạo được các cuộc thảo luận thú vị dựa trên kiến thức hoặc ý tưởng của chính họ, việc buôn về người khác khơi dậy sự quan tâm của mọi người. Một người tạm thời trở thành trung tâm của sự chú ý trong khi họ buôn chuyện. Ví dụ, trong mạng xã hội, bạn có bao giờ để ý rằng một video hoặc một bài đăng nói xấu về một người nổi tiếng nào đó lại thu hút nhiều sự chú ý hơn không?
Khi nhận ra 3 lý do phổ biến trên, chúng ta sẽ cẩn thận hơn mỗi khi nói điều bất lợi về 1 người không có mặt trong cuộc trò chuyện, vì như vậy thể hiện bên trong mình đang không ổn lắm. Còn nếu bạn là người bị người khác nói xấu, thì biết 3 lý do này sẽ khiến bạn bỏ qua cơn bực mình nhanh hơn nhì?
Linh từ từ
Nuôi dưỡng nội lực bằng thiền chánh niệm